Ăn nhiều trái cây khi mang thai có thể làm tăng trí thông minh của em bé trong bụng, đó là kết quả một nghiên cứu mới. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng: mỗi phần trái cây mà các phụ nữ mang thai tiêu thụ hàng ngày sẽ tương ứng với sự gia tăng điểm số nhận thức ở đứa con của họ 1 năm sau khi sinh. Nghiên cứu này được thực hiện tại Đại học Alberta sau khi phân tích dữ liệu lấy từ 688 trẻ sơ sinh ở Canada.
Piush Mandhane, giáo sư nhi khoa tại Đại học Alberta và là một trong hai tác giả chính của nghiên cứu, cho rằng ông đã rất ngạc nhiên bởi tác động của trái cây trong trường hợp này. Ông đã tìm đến một đồng nghiệp của mình để kiểm tra kết quả trên thông qua việc sử dụng ruồi giấm và thông tin nhận được sau đó là tương tự. (Ruồi giấm là loài thường được sử dụng trong các thử nghiệm về khả năng nhận thức và trí thông minh, bởi chúng sở hữu bộ gen tương đối giống con người, đặc biệt là những gen có liên quan đến chức năng não bộ).
Tham khảo thêm:
Tuy nhiên, “chúng tôi không muốn phụ nữ mang thai đi ra ngoài và ăn một lượng lớn trái cây”, tiến sĩ Mandhane nhấn mạnh. “Đó là chỉ mới là một nghiên cứu duy nhất và chúng tôi vẫn chưa xem xét đến các ảnh hưởng đến sức khỏe của việc ăn nhiều trái cây”. Tiêu thụ một lượng lớn trái cây trong giai đoạn mang thai có thể làm tăng lượng đường trong máu, một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng dẫn đến chứng bệnh tiểu đường khi mang thai, hoặc khiến phụ nữ tăng cân.
Tại Mỹ, chính phủ có đưa ra một bản khuyến nghị dành cho mọi người về việc ăn trái cây, cụ thể như sau:
- Phụ nữ, 19-30 tuổi: 2 ly mỗi ngày
- Phụ nữ, 31 tuổi trở lên: 1 ly rưỡi mỗi ngày
- Đàn ông, 19 tuổi trở lên: 2 ly mỗi ngày
Trong đó, một ly trái cây sẽ bao gồm: 1 quả táo nhỏ, 1 quả chuối lớn, 8 quả dâu tây lớn, 1 bưởi vừa, 1 quả đào lớn, 1/2 chén nho khô hoặc trái cây khô khác
Lưu ý: Trái cây có thể là dạng tươi, đóng hộp, đông lạnh hoặc sấy khô. Ngoài ra, nên sử dụng nước ép trái cây 100% cho một nửa lượng trái cây tiêu thụ.
Trên thực tế, có khá nhiều người ăn ít trái cây hơn so với lời khuyến khích này. Một nửa số phụ nữ mang thai được khảo sát trong nghiên cứu đã không đáp ứng đủ lượng trái cây mà chính phủ yêu cầu. Tiến sĩ Mandhane nói lời khuyên của ông đối với những bà bầu là “hãy đáp ứng các khuyến nghị”.
Nghiên cứu mới được tiến hành tại Đại học Alberta cũng là một trong số ít nghiên cứu nhằm tìm hiểu về ảnh hưởng của chế độ dinh dưỡng trước khi sinh đến khả năng nhận thức của trẻ. Hầu hết các nghiên cứu kiểu này đã tập trung vào sự thiếu hụt chất dinh dưỡng, dẫn đến tình trạng phát triển bất thường ở trẻ nhỏ. Ví dụ, có bằng chứng mạnh mẽ cho thấy nếu nồng độ axit folic cao hơn mức trung bình trong thai kỳ có thể dẫn đến dị tật ống thần kinh; trong khi hàm lượng sắt và iốt vừa đủ có vai trò rất quan trọng cho sự phát triển bình thường của não.
Axit béo Omega-3, được tìm thấy chủ yếu trong cá, chịu trách nhiệm hình thành nên màng tế bào não và nhiều nghiên cứu đã cho thấy mối liên kết giữa những phụ nữ ăn nhiều cá hơn trong khi mang thai và những đứa trẻ đạt điểm cao trong các bài kiểm tra nhận thức.
Tuy nhiên qua các thử nghiệm bổ sung loại chất này dưới hình thức là các viên dầu cá, các nhà khoa học chưa thể đưa ra kết luận chính xác về mối quan hệ nói trên. Và đối với mối liên kết giữa trái cây và những em bé thông minh cũng vậy. “Liệu nó có xuất phát từ việc tiêu thụ nhiều trái cây, hay là do những phụ nữ ăn nhiều trái cây có hành vi lành mạnh nào khác?”, giáo sư Emily Oken đến từ Trường Y Harvard, và giáo sư dinh dưỡng tại Đại học Harvard T.H. Chan School of Public Health, cho biết. Nghiên cứu này “thực sự là một gợi ý với các giá trị có thể khai thác sâu hơn”, theo tiến sĩ Oken.
Tiến sĩ Mandhane một trong 2 người đứng đầu nghiên cứu đã bắt đầu theo dõi 3.600 phụ nữ mang thai ở Canada từ năm 2008 đến 2012. Ông cho biết nhóm của mình quyết định phân tích những yếu tố giúp dự đoán khả năng phát triển của thần kinh ở trẻ 1 năm tuổi, sau đó mới xem xét đến các khía cạnh khác như những biến động về thu nhập gia đình, trình độ của người mẹ, vitamin được bổ sung hoặc trẻ có được bú sữa mẹ hay không… Ngoài ra, họ cũng có một kho dữ liệu lớn về chế độ ăn của các bà mẹ, bao gồm cả thành phần, tổng lượng calo, đồng thời sử dụng nhiều biện pháp thống kê khác.
“Trái cây luôn được nhắc đến đầu tiên trong danh sách các yếu tố gắn liền với sự phát triển nhận thức”, ông Mandhane nói. “Điều đáng ngạc nhiên là sức ảnh hưởng của nó. Khi nhìn thấy bản phân tích dữ liệu, tôi đã yêu cầu các cộng sự làm nó lại một lần nữa, tôi không tin vào nó”. Những đứa trẻ sau khi được kiểm tra bằng trò chơi xếp các khối gạch và ghi nhớ vị trí của đồng xu dưới những cái ly, đã cho thấy biểu hiện vượt bật về khả năng nhận thức. Đó là những đứa bé được sinh ra từ các bà mẹ ăn nhiều trái cây trong lúc mang thai.
François Bolduc, phó giáo sư khoa thần kinh nhi, đồng nghiệp của tiến sĩ Mandhane đã được mời tham gia nghiên cứu này. Tại Đại học Alberta, ông được gọi là “anh chàng ruồi giấm” bởi có hơn 300.000 con ruồi giấm được nuôi trong phòng thí nghiệm của ông. Ông và các cộng sự của mình đã thực hiện biến đổi gen của loài côn trùng này, sau đó kiểm tra tốc độ nhận biết và ghi nhớ mùi hương của chúng.
Mặc dù ruồi giấm Drosophila hoang dã được xem như những vị khách không mời của trái cây trong nhà bếp, nhưng trong phòng thí nghiệm, chúng được cho ăn một loại gel làm từ bột ngô, nấm men và đường. Ở các thí nghiệm, chế độ ăn uống trước khi sinh của một nhóm ruồi được quy định từ khi các con ruồi giao phối và đẻ trứng, bởi các loại nước ép.
Tiến sĩ Bolduc cho những con ruồi giấm tiếp xúc với một ống có chứa hai mùi hương, một trong số đó sẽ kèm theo một cú sốc điện nhẹ từ lưới điện dưới chân những con ruồi. 2 phút sau, sau khi cho những con ruồi nhận biết mùi hương, ông ta bắt đầu thống kê số những con ruồi bay về phía một trong 2 mùi. Qua kiểm tra trí nhớ, những con ruồi vẫn đưa ra lựa chọn tương tự 1 ngày sau đó. Một ngày là khoảng thời gian lớn trong suốt dòng đời chỉ kéo dài vỏn vẹn 1 tháng của ruồi giấm.
Con của ruồi giấm có chế độ ăn uống trước khi sinh được bổ sung các loại nước ép, thu được kết quả cao hơn 30% trong các bài kiểm tra trí nhớ so với thế hệ con của ruồi giấm chỉ được nuôi bằng thức ăn thông thường trong phòng thí nghiệm. “Tôi nghĩ đây là lần đầu tiên có người có thể cải thiện khả năng học tập và trí nhớ của một con ruồi bình thường”, bác sĩ Bolduc nói. “Chúng tôi đã cố gắng cho ruồi giấm ăn ngay khi sinh ra để nhằm tăng cường khả năng của chúng và chúng tôi không thể làm được điều đó”, ông nói. “Vì vậy, chỉ có khả năng là một cái gì đó đang xảy ra trong sự phát triển bên trong não bộ”.
Tiến sĩ Mandhane cho biết ông hy vọng nghiên cứu của mình trong tương lai có thể sẽ trả lời những câu hỏi về chế độ dinh dưỡng cũng như những vấn đề có liên quan đến việc bổ sung hàm lượng trái cây ở bà bầu và trí thông minh của trẻ nhỏ. Ông hiện đang tiến hành các thử nghiệm khác với chủ đề tương tự nhưng đối tượng chính là chuột. Cho đến nay, các dữ liệu nhận được đầy hứa hẹn nhưng vẫn chưa thể công bố. Cuối cùng, tiến sĩ Mandhane muốn hiểu rõ hơn về chế độ ăn uống tối ưu trong thời kỳ mang thai nhằm thúc đẩy việc khả năng phát triển thần kinh của tất cả mọi người nói chung và trẻ sơ sinh có nguy cơ bị khuyết tật trí tuệ nói riêng.
“Chỉ số IQ tăng từ 100 đến 105 có thể là một sự khác biệt nhỏ. Nhưng chỉ số IQ từ 85 tăng lên 90 tạo ra những khác biệt lớn hơn nhiều”, ông cho biết. “Đó sẽ là một đóng góp lớn hơn nhiều cho xã hội”.
Theo Tinhte